02/09/2014 05:57 GMT+7

​Gian nan chuyện bắt “con ma men”

MỸ TÀI
MỸ TÀI

TT - Uống rượu có thể loạn thần do nghiện rượu mãn tính và quá trình cai rượu cho các “ma men” cũng gặp không ít khó khăn.

Bác sĩ Nguyễn Lợi - trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 - hỏi thăm tình hình sức khỏe một bệnh nhân loạn thần do rượu điều trị tại khoa - Ảnh: Mỹ Tài

Có người cai xong khỏe mạnh, trở về nhà vô tình gặp đám tiệc vui vui làm một ly, thế là không dưng tái nghiện.

Loạn thần vì rượu

“Gia đình không nên tự ý cho người nghiện sử dụng các loại thuốc gây cảm giác “sợ rượu” vì cơ thể có thể sẽ xuất hiện một phản ứng tạo ra độc chất, làm họ thấy nóng bừng ở mặt, tim đập nhanh, hạ huyết áp, buồn nôn khó chịu... Nặng hơn bệnh nhân có thể ngất, nguy hiểm cho sức khỏe. Đó là nguyên nhân loại thuốc này chỉ nên được dùng trong môi trường bệnh viện dưới sự giám sát chặt chẽ của thầy thuốc”.

Bác sĩ NGUYỄN LỢI

Ngày 5-8 ông P.V.T. (45 tuổi, Đồng Nai) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 với những biểu hiện loạn thần như hoang tưởng, gọi tên người đã khuất và không còn nhận thức rõ người thân.

Theo bác sĩ Nguyễn Lợi - trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2, ông P.V.T. bị rối loạn tâm thần do rượu. Đây là nguyên nhân phổ biến, chiếm khoảng 10% các trường hợp điều trị tại bệnh viện, riêng khoa hồi sức cấp cứu tỉ lệ này là 20%.

Chị P.T.K.T. - con ông P.V.T. - kể cha mình đã uống rượu nhiều năm: “Mấy tháng trước ba tôi lên Đắk Lắk đi làm, bị rủ rê, ba uống rượu nhiều hơn, uống mấy ngày liên tục. Mới đây bác tôi gọi về nói ba tôi có biểu hiện lạ, hay ra công viên chơi với con nít, dắt chó ra ngoài đó chơi rồi ở đó luôn, nhà có giường chiếu ba không ngủ mà cứ ra gốc cây ngủ. Trước đây ba tôi uống rượu nhưng chỉ bị run tay, bây giờ thì nặng như vầy”.

Ông T. được bác sĩ chỉ định điều trị và theo dõi trong hai tuần.

Bác sĩ Lợi cho biết khi người bệnh có từ 3/6 biểu hiện sau thì được chẩn đoán xác định nghiện rượu mãn tính: thèm muốn mạnh mẽ hoặc cảm thấy buộc phải sử dụng rượu; uống không kiểm soát được thời gian và số lượng; càng uống càng “lên đô” (tăng khả năng dung nạp rượu vào cơ thể), có bằng chứng về việc uống rượu;

Khi đột ngột ngưng uống thì xuất hiện hội chứng cai (một phản ứng sinh lý của cơ thể làm bệnh nhân bồn chồn, đứng ngồi không yên, rối loạn giấc ngủ, co giật, gặp ảo giác về cả thính giác lẫn thị giác...); người dùng rượu sao nhãng các thú vui trước đây, dành hầu hết thời gian để kiếm rượu và uống rượu; vẫn tiếp tục sử dụng rượu dù biết rõ những tác hại của rượu đối với cơ thể, gia đình và xã hội.

Tình trạng nghiện rượu có thể xảy ra với những người uống rượu bia lâu ngày, uống nhiều lần trong ngày với mức độ thường xuyên (ngày này qua ngày khác). Uống càng nhiều mức độ nghiện càng nặng, nếu sử dụng rượu không có kiểm soát, đến một lúc nào đó bệnh nhân sẽ lệ thuộc rượu, không bỏ được.

Nguy hiểm nhất trong các tác hại lâu dài đối với người nghiện là vấn đề thay đổi nhân cách, hình thành lối sống ích kỷ, chỉ quan tâm làm sao có rượu để uống. Khi bị loạn thần do rượu, người nghiện xuất hiện những hoang tưởng ghen tuông, cảm giác có người muốn hại mình...

Nếu đột ngột ngưng rượu không có sự hướng dẫn của bác sĩ, người nghiện có thể rơi vào tình trạng nặng nhất là sảng rượu (mệt mỏi, trầm cảm, mắc các bệnh nhiễm khuẩn, bị kích động và co giật, suy nhược cơ thể...), thậm chí là mất trí.

Cần sự hiệp lực từ người thân, bạn bè

Nói về khả năng tái nghiện của những bệnh nhân đã vào cai nghiện trong bệnh viện, bác sĩ Lợi cho biết tỉ lệ tái nghiện rất cao, đến 70-80% bệnh nhân tái nghiện: “Chuyện bệnh nhân nghiện rượu ra vào ở đây nhiều như cơm bữa, có bệnh nhân nhập viện 3-4 lần mới dứt hẳn”.

Không chỉ ở Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2, tình trạng người nghiện rượu ra vào điều trị thường xuyên cũng xảy ra ở các bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh khác.

Bác sĩ Hoàng Văn Đức, trưởng khoa điều trị nữ Bệnh viện tâm thần tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hài hước: “Nhiều bệnh nhân ra vào miết mình quen mặt luôn!”.

Theo bác sĩ Lợi, cai nghiện rượu là cả một quá trình: “Việc điều trị cho bệnh nhân nghiện rượu không kết thúc sau khi đã cai nghiện ở bệnh viện mà phải có những biện pháp điều trị tiếp theo, vừa bằng thuốc vừa bằng tâm lý”.

Quan trọng nữa là để cai nghiện rượu thành công cần thuyết phục được người nghiện (và gia đình hỗ trợ) cai rượu tự nguyện, có kế hoạch lâu dài từ khi điều trị ở bệnh viện đến lúc trở về nhà, đặc biệt trong giai đoạn điều trị hội chứng cai rượu.

Nhiều người sau khi cai rượu tiếp tục nghiện rượu là do các nguyên nhân đến từ môi trường xã hội và không có sự quản lý của gia đình, bản thân người đã cai.

“Hầu hết bệnh nhân sau khi cai trở về nhà, bạn bè mời rượu thì uống ngay, đặc biệt là khi đi dự tiệc. Chỉ cần uống một vài ly, cảm giác thèm rượu lập tức quay trở lại, khi đó coi như công sức điều trị cai rượu trước đó thành vô ích”, bác sĩ Lợi khuyến cáo.

Trong khi đó, bác sĩ Đức chia sẻ trong quá trình công tác đã gặp các trường hợp “dở khóc dở cười” khi người thăm nuôi, chủ yếu là bạn bè của bệnh nhân, không hiểu, thấy bạn lên cơn thèm rượu thì lén lút mua cho uống, làm cản trở quá trình điều trị.

Việc điều trị cai rượu không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm của bệnh nhân mà còn cần sự quyết tâm của người nhà và bạn bè người cai.

MỸ TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp